Hơn một tiếng loay hoay thủ tục khám bệnh bằng BHYT trên app

19/04/2025
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Hơn một tiếng loay hoay thủ tục khám bệnh bằng BHYT trên app

"Hôm vừa rồi, tôi đi khám bệnh ở bệnh viện quận, có sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT). Sau khi chờ bốc được số thứ tự, tôi được chuyển qua quầy tiếp nhận bệnh nhân. Tôi lại chờ hơn 30 phút nữa mới tới lượt được gọi vào quầy. Do không đem theo thẻ BHYT giấy nên tôi tự tin đưa thẻ điện tử đã được tích hợp trong app VssID, VNeID ra. Thế nhưng tôi bị từ chối, nhân viên bệnh viện yêu cầu tôi phải ra ngoài đăng ký bảo hiểm điện tử trước mới được.

Vậy là tôi lại lóc cóc quay ra ngoài cửa, đến phòng đăng ký bảo hiểm điện tử và tiếp tục chờ thêm 15 phút nữa mới tới lượt vào làm việc. Gặp được nhân viên tiếp đón, tôi được yêu cầu phải đi mua sổ khám mới được đăng ký. Giờ nếu tôi chạy đi mua sổ thì khi quay lại tiếp tục phải ngồi chờ đến lượt sau. Vậy là hơn một tiếng đồng hồ, vừa chờ đợi, vừa chạy từ quầy này qua quầy khác, tôi vẫn chưa được nhận bệnh để vào khám. Quá nản, tôi bỏ đi về, quyết định ra khám tư cho nhanh chứ chờ thủ tục BHYT ở viện công không biết đến bao giờ?".

Đó là chia sẻ của độc giả Christina về những bất cập gặp phải trong thủ tục khám chữa bệnh dùng BHYT. Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa gửi văn bản hướng dẫn cho biết thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy cũ đến 31/5 sẽ hết hạn, người dân thay thế bằng thẻ BHYT trên các ứng dụng VssID, VNeID khi khám chữa bệnh. Thẻ mới chỉ cấp cho người không thể cài đặt ứng dụng trên, không có căn cước công dân gắn chip.

Cùng chung nỗi băn khoăn về việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID, VNeID còn nhiều khó khăn, bạn đọc Thắng Trần bình luận: "Tôi cũng đi tích hợp thẻ BHYT cho người thân lớn tuổi vào ứng dụng VssID, VNeID. Nhưng khi đi khám, người ta nói: 'Tích hợp làm gì khi người lớn tuổi không nhớ mật khẩu, không thấy chữ để bấm, đi khám loay hoay mãi không xong?'. Nhân viên y tế còn bảo: 'Ông, bà đưa thẻ giấy ra quẹt cho nhanh'".

>> Bảo hiểm y tế - 'thẻ mới, tư duy cũ'

"Dùng app VssID, hay VNeID, hoặc CCCD để đi khám, chữa bệnh có nhược điểm là do bệnh viện không giữ được thẻ BHYT giấy (để ràng buộc người bệnh) sau khi khám, chữa bệnh. Do đó, bệnh viện luôn yêu cầu người bệnh phải bỏ ra một khoản tiền tạm ứng trước (nhiều hoặc ít, tùy thuộc ước tính của nhân viên y tế đối với bệnh lý cần chữa của người bệnh). Vì thế, đó đã là một phiền toái phát sinh đối với bệnh nhân mỗi khi đi khám, chữa bệnh. Cơ quan BHXH cần tính đến biện pháp giải quyết tình trạng này", độc giả Hungnd bổ sung thêm.

Nói về giải pháp giảm phiền toái cho người bệnh khi chuyển từ thẻ giấy sang các ứng dụng trên điện thoại, bạn đọc Nguyen Duy cho rằng: "Đáng lý ra phải cho các bệnh viện, đơn vị cấp cứu, đơn vị khám chữa bệnh liên kết tìm kiếm dữ liệu bảo hiểm y tế. Khi đó người bệnh chỉ cần căn cước công dân là có thể tra ra ngay người đó có BHYT chưa, bảo hiểm loại nào? Điều đó rất đơn giản và nhanh chóng, tiện lợi cho cả người bệnh và đơn vị khám chữa bệnh".

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng nên duy trì thẻ BHYT nhựa như CCCD để tránh những bất cập khi ứng dụng điện tử gặp lỗi: "Cần làm thẻ BHYT bằng nhựa vì bằng ứng dụng lỡ người bệnh bị tai nạn, mất điện thoại thì sao? Hoặc nếu người bệnh không sử dụng smartphone thì tra bằng cách nào? VNeID là tiện dụng chứ không thể thay thế hoàn toàn thẻ cứng được. Hiện nay, bỏ sổ hộ khẩu đã để lại rất nhiều phiền phức cho người dân vì chưa hoàn thiện. Vì vậy, rất mong Bảo hiểm xã hội xem lại vấn đề này để người dân được thuận tiện chứ không bị gây khó dễ". (Tringuyen)

Việt Thành tổng hợp

'Mua hàng chục sổ khám bệnh chỉ để bác sĩ kẹp đơn thuốc' 'Ngày nghỉ so le để thuận lợi khám bệnh, làm thủ tục hành chính' Hai thái cực khác biệt khi khám bệnh ở viện công - viện tư Bác sĩ khám bệnh qua loa Khám bệnh nơm nớp sợ bác sĩ mắng Bác sĩ khám bệnh kiểu 'đọc phim kê đơn thuốc' 'Mua hàng chục sổ khám bệnh chỉ để bác sĩ kẹp đơn thuốc' 'Ngày nghỉ so le để thuận lợi khám bệnh, làm thủ tục hành chính' Hai thái cực khác biệt khi khám bệnh ở viện công - viện tư Bác sĩ khám bệnh qua loa Khám bệnh nơm nớp sợ bác sĩ mắng Bác sĩ khám bệnh kiểu 'đọc phim kê đơn thuốc'
Tin liên quan
Tin Nổi bật